Khi soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng kinh doanh thương mại, bên cạnh các quy định cơ bản như đối tượng, phạm vi của hợp đồng, giá trị và phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, cơ chế giải quyết tranh chấp, bảo mật thông tin,… thì các quy định về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại cũng rất cần được chú trọng.
1. Phạt vi phạm hợp đồng
Theo quy định của Luật thương mại 2005, phạt vi phạm được hiểu là việc bên vi phạm hợp đồng phải trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm do hành vi vi phạm của bên vi phạm nếu trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm. Như vậy, việc phạt vi phạm chỉ phát sinh khi có hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm và các bên đã có thỏa thuận về việc phạt vi phạm.
Luật trao quyền thỏa thuận chế tài phạt vi phạm cho các bên trong hợp đồng, tuy nhiên quyền tự do thương lượng này có giới hạn. Cụ thể là các bên chỉ được thỏa thuận mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì mức tiền phạt phải trả cho khách hàng do các bên thỏa thuận, nhưng cũng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định. Trên thực tế, cơ quan giải quyết tranh chấp cũng căn cứ vào giới hạn quy định của luật để xử lý, do đó dù các bên có thỏa thuận một mức phạt vi phạm cao hơn cũng không áp dụng được trên thực tế.
2. Bồi thường thiệt hại
Bồi thường thiệt hại được hiểu là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất cho bên bị vi phạm do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm gây ra. Căn cứ để phát sinh bồi thường thiệt hại là có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra. Nghĩa là khác với chế tài phạt vi phạm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng phát sinh ngay cả trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về vấn đề này. Bên cạnh đó, pháp luật không đưa ra quy định nào giới hạn mức bồi thường thiệt hại mà chỉ hoàn toàn căn cứ vào thiệt hại thực tế phát sinh mà bên bị vi phạm chứng minh được.
Xuyên suốt quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn đi kèm, không có quy định nào ràng buộc trong một hợp đồng thương mại nếu đã quy định phạt vi phạm thì không được áp dụng thêm chế định bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch nếu quy định cả hai loại chế tài trên trong nội dung hợp đồng thì nên quy định rõ căn cứ phát sinh khoản tiền bồi thường thiệt hại và khoản tiền phạt vi phạm.
Thực tiễn có rất nhiều trường hợp các bên không thỏa thuận rõ ràng hoặc thỏa thuận về khoản tiền phạt vi phạm mà số tiền phạt lại vượt quá mức quy định thì phần vượt quá đó cũng không có giá trị pháp lý như đã phân tích ở trên. Cuối cùng, các bên cần lưu ý rằng, sẽ không được thỏa thuận về lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền phạt vi phạm và khoản tiền bồi thường thiệt hại.
Kommentare