Cùng với sự phát triển của các hoạt động kinh tế – xã hội, nợ đã trở thành một quyền về tài sản, vì vậy tính chuyển giao của nó cũng được thừa nhận. Pháp luật Việt Nam hiện nay cũng ghi nhận khoản nợ là một loại hàng hóa có thể giao dịch thông qua hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, để hợp đồng mua, bán nợ có giá trị pháp lý và đảm bảo các quyền và nghĩa vụ được thực thi, các bên cần lưu ý các quy định về hợp đồng mua, bán nợ.
Thứ nhất, xét về quyền giao kết Hợp đồng mua bán nợ, theo quy định của Bộ luật Dân sự quy định về mua bán quyền tài sản có đề cập đến quyền tài sản là quyền đòi nợ ở Việt Nam. Theo đó, nợ trở thành đối tượng của hợp đồng mà các bên có thể chuyển giao như đối với một loại tài sản đặc biệt. Ngoài ra, Hợp đồng mua, bán nợ nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu đối với khoản nợ và đồng thời chuyển nghĩa vụ của bên bán nợ cho bên mua nợ. Đây là giao dịch hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nợ. Do đó, các bên có thể giao kết Hợp đồng mua, bán nợ mà không cần có sự đồng ý của bên nợ.
Thứ hai, về mặt hình thức của Hợp đồng mua, bán nợ, căn cứ quy định mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ. Như vậy, Hợp đồng mua, bán nợ phải bắt buộc được lập thành văn bản.
Hơn nữa, Hợp đồng mua, bán nợ phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của các bên mua, bán nợ[4]. Vì vậy, theo quy định này, Hợp đồng mua, bán nợ không bắt buộc các bên phải công chứng hoặc chứng thực. Do đó, nếu xét thấy cần thiết các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc công chứng hoặc chứng thực Hợp đồng mua, bán nợ. Thêm vào đó, các bên có thể thỏa thuận có thể lập thêm Hợp đồng bằng tiếng nước ngoài và các bên cần thống nhất ngôn ngữ nào của Hợp đồng sẽ được chọn sử dụng khi xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, đối với trường hợp bên mua nợ và bên bán nợ là tổ chức có tư cách pháp nhân thì ngoài việc đại diện hợp pháp để ký tên thì Hợp đồng cần được đóng dấu. Đây là những quy định nghiêm ngặt về hình thức xác lập để đảm bảo tính hợp pháp về hình thức của hợp đồng.
Thứ ba, về nội dung của Hợp đồng mua, bán nợ, Hợp đồng mua, bán nợ phải có những nội dung chủ yếu sau đây[5]: (i) Thời gian ký kết hợp đồng mua, bán nợ; (ii) Tên, địa chỉ của các bên tham gia ký kết hợp đồng mua, bán nợ; (iii) Tên, chức danh người đại diện các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán nợ; (iv) Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên có liên quan (nếu có) tới khoản nợ được mua, bán; (v) Chi tiết khoản nợ mua, bán: Số tiền vay, thời gian vay, mục đích giá trị ghi sổ của khoản nợ đến thời điểm thực hiện mua, bán nợ; (vi) Các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ đối khoản nợ được mua, bán (nếu có); (vii) Giá bán nợ, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán; (viii) Thời điểm, phương thức và thủ tục chuyển giao hồ sơ, chứng từ khoản nợ, bao gồm cả hồ sơ, tài liệu về tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có); Thời điểm bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của bên bán nợ; (ix) Quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ, bên mua nợ; (x) Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng; (xi) Giải quyết tranh chấp phát sinh. Đây là những nội dung cơ bản, bắt buộc phải có đối với Hợp đồng mua, bán nợ. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác[6] trong hợp đồng mua, bán nợ không trái với quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Hợp đồng mua, bán nợ, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nội dung của Hợp đồng mua, bán nợ. Tuy nhiên, việc quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ phải dựa trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Như vậy, việc xác lập Hợp đồng mua, bán nợ tại Việt Nam về cơ bản cũng giống như các giao dịch chuyển quyền tài sản khác. Tuy nhiên, nợ là đối tượng đặc biệt của quyền tài sản, do vậy các bên cần tìm hiểu và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về nội dung và hình thức của hợp đồng để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên.
Comments