Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật. Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Vậy để thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thì phải đáp ứng điều kiện gì?
Luật trọng tài thương mại 2010 không có quy định cụ thể về các điều kiện để một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực. Tuy nhiên, dựa theo các trường hợp làm thỏa thuận trọng tài vô hiệu, ta có thể rút ra những điều kiện cơ bản để thỏa thuận trọng tài có hiệu lực đó là:
Về điều kiện năng lực chủ thể: Đây là điều kiện được xem như là quan trọng nhất khi mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và thỏa thuận trọng tài nói riêng. Theo đó, người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Về thẩm quyền của trọng tài: Thỏa thuận trọng tài phải thuộc các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Trọng tài. Cụ thể, đó là thỏa thuận đề nghị trọng tài giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc các tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Về hình thức: Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật trọng tài thương mại 2010 như thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;…
Về ý chí của các bên khi giao kết: Các bên phải hoàn toàn tự nguyện trong việc giao kết thỏa thuận trọng tài. Các bên không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Trong trường hợp có nhiều thỏa thuận trọng tài được xác lập đối với cùng một nội dung tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài được xác lập hợp pháp sau cùng theo thời gian có giá trị áp dụng.
Comments